Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Bức tranh một triệu USD của Việt Nam

Bức tranh một triệu USD của Việt Nam - VnExpress
×
Thứ năm, 27/2/2020, 00:05 (GMT+7)

Bức tranh một triệu USD của Việt Nam

Hà NộiTác phẩm sơn mài mang tên "Gióng" là trọng tâm trong một lễ hội ở Anh, sau đó trở thành bảo vật quốc gia.

"Đối với tôi, bức tranh Gióng là một trong những ví dụ điển hình nhất về vẻ đẹp và ý nghĩa sâu sắc mà nghệ thuật sơn mài Việt Nam có thể tạo ra", bà Susan Bayly - Giáo sư, Tiến sĩ Nhân học lịch sử tại Khoa Nhân học xã hội, Đại học Cambridge (Anh) nhận xét về tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh Gióng (1990) của tác giả Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016), chất liệu sơn mài, kích thước 90 x 120,3 cm. Ảnh: Kiều Dương.

Tới Hà Nội lần đầu vào năm 2000, địa điểm trong danh sách ưu tiên của bà Bayly là toà nhà ở số 66 Nguyễn Thái Học. Bà kể lại: "Lần nào đến Hà Nội tôi cũng ghé thăm Bảo tàng. Mỗi khi ngắm các tác phẩm lộng lẫy ở đây, tình yêu của tôi càng thêm sâu sắc với những di sản tượng trưng cho sức sáng tạo và tầm nhìn nghệ thuật của người Việt Nam".

Năm 2013, Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học (MAA) của Anh tổ chức "Lễ hội Ý tưởng: Tôn vinh Nghệ thuật, Nhân văn và Khoa học xã hội" với trọng tâm là bức tranh Gióng của hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, do GS. TS. Susan Bayly (đại diện MAA) phụ trách kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để đưa bức tranh đi triển lãm. Lễ hội thu hút hàng nghìn người tham gia kể từ lần đầu tổ chức năm 2008.

MAA là bảo tàng trực thuộc đại học Cambridge - nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất Vương quốc Anh, gồm một triệu hiện vật với niên đại trải dài gần 2 triệu năm lịch sử loài người trên tất cả 6 lục địa. Ảnh: MAA.

Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên ngôi trường đại học hơn 800 tuổi trưng bày một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam tại Vương quốc Anh, đồng thời kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Thời điểm đó, bức tranh được định giá bảo hiểm lên tới một triệu USD, mức cao nhất trong lịch sử cho một bức tranh sơn mài Việt Nam. Tác phẩm sáng tác năm 1990 được đánh giá là thành công nhất trong loạt tranh chủ đề Gióng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, một trong những tên tuổi hàng đầu của nền hội hoạ Việt Nam hiện đại.

"Với sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi đã biết được ý nghĩa của bức tranh. Đó là lòng yêu nước xuyên suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam. Tinh thần ấy được mô tả qua hình tượng vị anh hùng Gióng, người đã đứng lên bảo vệ bờ cõi trước quân xâm lược rồi cưỡi ngựa bay về phía vinh quang vĩnh cửu khi công việc đã hoàn tất. Cùng với kỹ thuật sơn mài sử dụng nguyên liệu thiên nhiên đặc trưng của Việt Nam, bức tranh là tác phẩm hoàn hảo để giới thiệu tại lễ hội năm 2013", chuyên gia người Anh đánh giá.

Poster của sự kiện trên đường phố ở Anh. Ảnh tư liệu: VNFAM.
Các chuyên gia thẩm định và treo tranh tại MAA dưới sự chứng kiến của các chuyên gia hai nước. Ảnh tư liệu: VNFAM.

Những năm 1970, trong căn phòng vỏn vẹn 10 m2 ngổn ngang dụng cụ vẽ và đồ cổ ở 65 phố Nguyễn Thái Học, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sống độc thân, miệt mài sáng tác. Đây là khoảng thời gian ông tìm hướng đi mới cho phong cách nghệ thuật của bản thân sau giai đoạn vẽ hiện thực. Khi tên tuổi đã ở trong nhóm tứ trụ "Nghiêm – Liên – Sáng – Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên – Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái), ông vẫn lựa chọn cách sống lặng lẽ và kín đáo, chỉ giao thiệp với những người thân thiết.

"Ông Nghiêm dành nhiều thời gian trong thời kỳ đỉnh cao sáng tác lủi thủi một mình đến Bảo tàng gần nhà để nghiên cứu, chiêm nghiệm từng tác phẩm cổ đại trưng bày tại đây", nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến – một trong những thành viên đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhớ lại.

Năm 1972, Viện Mỹ thuật – Mỹ nghệ (tiền thân Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) trưng bày bộ sưu tập Điêu khắc gỗ dân gian đình làng từ thế kỷ 17. Bà Yến nhận định: "Nguyễn Tư Nghiêm đã tìm ra vẻ đẹp từ truyền thống Việt Nam. Cuộc triển lãm năm 1972 đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong các sáng tác của ông". Hàng loạt bức tranh theo chủ đề Gióng, Điệu múa cổ phát triển mạnh mẽ từ các phác thảo trước đó, được ví như những mảnh ghép hoàn hảo trong sự nghiệp của Nguyễn Tư Nghiêm.

"Con đường của Tư Nghiêm là đi từ hiện thực đến trừu tượng, lập thể. Ông đã lựa chọn lĩnh vực khó là trừu tượng hóa đề tài dân tộc", nhà nghiên cứu bình luận. Sau những bức tranh Gióng ban đầu, ông cảm thấy việc phô diễn thân thể như cơ bắp, biểu cảm là điều bình thường. Suốt 25 năm tìm tòi không ngừng nghỉ hình tượng Gióng, Nguyễn Tư Nghiêm dần chuyển sang dùng những đường khối và hoa văn thừa hưởng từ thời Đông Sơn để đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác.

Một số tác phẩm trong loạt tranh chủ đề Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác các năm 1976, 1978, 1982...

Nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm được nhận xét có tính bác học, tiếp thu đầy đủ vẻ đẹp truyền thống từ cổ đại đến "uyển nhã sang trọng" của cung đình phong kiến, điêu khắc đình làng dân dã, thô mộc và chuyển thành ngôn ngữ hiện đại. Sinh thời, danh họa từng chia sẻ quan điểm: "Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại". Ông nhìn thấy vốn cổ đã có sẵn các trường phái hiện thực, lập thể, biểu hiện, trừu tượng. Bức tranh Gióng (1990) đã đạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần thứ 14 tổ chức cùng năm và được Bảo tàng tuyển chọn ngay trong sự kiện.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến phân tích, bức tranh được tái hiện trong không gian Đông Sơn, mang yếu tố thần thoại và hiện đại song hành.

Những nét vẽ đều được lắp dựng từ hình kỷ hà (các hình, nét cơ bản thẳng, cong, vuông, tròn...) gãy gọn, khúc chiết. Những bước chân ngựa, y phục của nhân vật được khắc họa từ những mô típ tiêu biểu trên trống đồng Đông Sơn gồm vòng tròn tiếp tuyến, hình răng cưa, chữ S gấp khúc.

Theo các nghiên cứu, những chi tiết này có trên hầu hết trống đồng Đông Sơn, là hoa văn đại diện cho nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí hơn 2.000 năm trước.
Rìu đồng với hoa văn người và động vật cách điệu.

Phần lưỡi rìu trong tranh tượng trưng cho công cụ lao động của người xưa. Chi tiết này được cho là đã có sự gạn lọc, mang dụng ý nói về hoạt động lao động sản xuất, mưu cầu cuộc sống ấm no sau khi chiến tranh qua đi thay vì biểu hiện những vũ khí như dao găm, mũi giáo.

Cùng với đó là các họa tiết tiêu biểu thời Đông Sơn trên miếng hộ tâm (giáp ngực) của chiến binh, hình giao long kết đôi biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Họa tiết cá sấu (giao long) trên giáp và rìu Đông Sơn trong khoảng thế kỷ 3 - 4 TCN.

Hộ tâm phiến trang trí hình giao long, phát hiện tại Ninh Bình. Hiện vật (phải) đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ở bức tranh này, Nguyễn Tư Nghiêm đã phủ đầy cơ thể nhân vật Gióng cả một nền văn hóa Đông Sơn thay vì tập trung mô tả thân hình chàng thanh niên lực lưỡng, lớn nhanh như thổi trước khi ra trận dẹp giặc ngoại xâm.

Trong tất cả tranh Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, không phải ngẫu nhiên mà nhân vật chính luôn hướng về bên phải. Một phần lý do được cho là mô phỏng hướng quay ngược chiều kim đồng hồ trên tất cả mặt trống đồng Đông Sơn.

Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu thị giác, hướng nhìn của nhân vật trong một bức tranh, ảnh hay cảnh quay tạo nên những phản ứng trái chiều trong tâm lý người xem. Đây cũng là một loại "từ vựng" trong ngôn ngữ nghệ thuật. Theo đó, nhân vật quay về bên phải tạo nên những cảm xúc an toàn, bình yên, được chở che... Trong khi hướng ngược lại thường mang đến cảm giác chông chênh, bất trắc. Bạn đọc có thể cảm nhận điều này khi xem hai bức tranh như dưới đây.

Đến nay chưa có một khẳng định chắc chắn nào về bố cục của Gióng. Bản thân họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi còn sống cũng không tiết lộ về điều này. Chỉ có lần duy nhất ông tâm sự với nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến rằng, "cái bí mật nhất nằm ở kích thước tranh". Họa sĩ muốn cô đọng hình tượng Gióng thành một khối thống nhất khoẻ khoắn, dữ dội với chủ thể chính là cả người và ngựa. Để làm được như vậy, ông đã lựa chọn cách điệu hóa nhân vật bằng các họa tiết cổ đại rồi làm đầy khung hình bằng các mảng trang trí xung quanh.

Một số ý kiến khác cho rằng, bố cục bức tranh cũng xuất hiện bóng dáng của tỷ lệ vàng giống như Rafael và Leonardo da Vinci từng ứng dụng trong những tác phẩm bích họa kinh điển ở Vatican và Italy.

Ứng dụng tỷ lệ vàng cho các mảng, khối của tranh, trong khi đường chéo thể hiện hướng bay lên của chủ thể.
Tỷ lệ vàng trong tác phẩm The Last Supper của danh họa Leonardo da Vinci. Ảnh: Golden Number.
Các lớp tỷ lệ vàng trong tác phẩm The School of Athens của Rafael. Ảnh: Golden Number.

Bức tranh Gióng được tạo nên bởi kỹ thuật, chất liệu sơn mài riêng biệt của Việt Nam. Loại hình này thừa hưởng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn, trong đó quan trọng nhất là nhựa cây sơn ta ở vùng Phú Thọ. Ban đầu, sơn mài chỉ có vài màu cơ bản như đen, đỏ, xanh, nâu cánh gián, vàng (làm từ vàng thếp), trắng (từ bạc, vỏ trứng)... Sơn công nghiệp sau này làm phong phú bảng màu của sơn mài nhưng bị coi là "kém hơn về độ sâu".

Khi thực hiện tác phẩm này, Nguyễn Tư Nghiêm hoàn toàn có điều kiện dùng nhiều màu sắc mới. Tuy nhiên, ông chỉ chọn các tông màu truyền thống để truyền tải những chiêm nghiệm của bản thân. "Trên nền son của tầm vóc truyền thống, Nguyễn Tư Nghiêm đã chắt lọc đến cùng ngôn ngữ lập thể và trừu tượng của phương Tây nhuần nhuyễn đến bất ngờ", bà Yến nhận xét.

Trong lần nói chuyện với đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và GS. TS. Susan Bayly, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chia sẻ tác phẩm Gióng nói về một nhân vật còn ít tuổi những đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ông vẽ nhân vật như một người trưởng thành khi đã giành chiến thắng, với các chi tiết được thần thánh hóa. Điều này cũng giống Việt Nam - một đất nước nhỏ bé nhưng lại có lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài. Thánh Gióng được nói đến nhiều nhưng chỉ là truyền thuyết. Không có tài liệu ghi chép chính xác nên họa sĩ đã khắc họa nhân vật theo nhận thức của chính ông. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mong muốn giới trẻ nhìn vào tấm gương Thánh Gióng để có được tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử và anh hùng.

Bức tranh Gióng đã về lại Việt Nam ngày 29/10/2013, sau khi thu hút hơn 2.200 lượt khách tham quan trong 10 ngày trưng bày tại Anh và sự quan tâm của báo chí, truyền thông nước này.

Đến 2017, bức tranh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. "Tác phẩm đánh dấu sự cách tân của nghệ thuật sơn mài Việt Nam và là hình mẫu để các thế hệ sau học tập. Bức tranh đã đạt đến tính độc đáo trong tạo hình, kết hợp giữa trang trí dân gian với trường phái lập thể hiện đại, cũng là minh chứng cho khả năng diễn tả phong phú của loại hình sơn mài. Đây là tác phẩm thành công nhất trong loạt tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm, đánh dấu phong cách tạo hình riêng biệt của họa sĩ", PGS. TS. Trang Thanh Hiền bình luận trong đợt đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.

Bức tranh đang được trưng bày tại phòng 16 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cạnh bên nhiều tác phẩm sơn mài nổi tiếng khác của tác giả như Con nghé, Điệu múa cổ, Nông dân đấu tranh chống thuế, Xuân hồ Gươm.

Bảo tàng mở cửa từ 8h30 đến 17h hàng ngày, trừ ngày Tết. Vé tham quan giá 40.000 đồng một người lớn, 10.000 - 20.000 đồng với trẻ em và học sinh, sinh viên.

Kiều Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét